Your cart is currently empty!
“Tôi đoán mình có cảm tình đặc biệt với TikTok dù ban đầu không phải như vậy. Tôi đã sử dụng TikTok và giành được sự ủng hộ của cử tri trẻ”, Tổng thống Donald Trump nói ngày 20/1, khi ký sắc lệnh hoãn thi hành lệnh cấm TikTok tại Mỹ trong vòng 75 ngày.
Động thái cho thấy Tổng thống Trump đã đảo ngược quan điểm so với nhiệm kỳ đầu. Khi đó, ông muốn TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, và coi ứng dụng là nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ.
TikTok có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ, tương đương khoảng nửa dân số, là đối tác lớn của các nhà cung cấp dịch vụ về lưu trữ dữ liệu, ứng dụng, hay dịch vụ tiếp thị. TikTok từng bị chính phủ Mỹ cảnh báo suốt nhiều năm, khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng vì nhiều vấn đề.
Tháng 10/2019, giới chức Mỹ dưới thời ông Trump bắt đầu lo ngại về ảnh hưởng từ TikTok, kêu gọi mở cuộc điều tra liên bang về vụ ByteDance mua ứng dụng Musical.ly rồi sáp nhập vào TikTok và nguy cơ an ninh từ nền tảng video cùng các ứng dụng khác của Trung Quốc.
Họ cáo buộc TikTok thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng tại Mỹ, lưu trữ tại máy chủ ở Trung Quốc và có thể cung cấp cho giới chức ở Bắc Kinh bất cứ lúc nào, điều được cho là đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. TikTok bác bỏ cáo buộc này.
Sau quá trình điều tra, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hồi năm 2020 nhất trí khuyến nghị ByteDance thoái vốn TikTok vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị thu thập trái phép để chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
Tháng 7/2020, ông Trump tuyên bố cân nhắc cấm TikTok để đáp trả Trung Quốc “ứng phó đại dịch Covid-19 không đúng cách”. Một tháng sau, ông ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với ByteDance và các công ty con của ByteDance, yêu cầu TikTok cắt quan hệ với ByteDance trong 45 ngày hoặc bị cấm ở Mỹ.
TikTok khởi kiện ra Tòa án liên bang Quận Columbia và giành chiến thắng với lập luận sắc lệnh hành pháp của ông Trump vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận. Ông Trump sau đó kết thúc nhiệm kỳ và không có thêm động thái nào nhằm vào TikTok.
Chính quyền ông Biden kế nhiệm cũng coi TikTok tiềm ẩn nguy cơ và lên phương án ứng phó. Ông Trump hồi tháng 3/2024 vẫn nói rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, ông Trump phản đối lệnh cấm ứng dụng này, vì cho rằng nó sẽ khiến giới trẻ Mỹ tổn thương và sẽ quay sang dùng Facebook, giúp mạng xã hội này hưởng lợi. Ông Trump gần đây nhiều lần chỉ trích Facebook, cho rằng nền tảng này “không trung thực và là ứng dụng không tốt” cho Mỹ sau khi tài khoản của ông bị khóa vì vụ bạo loạn Đồi Capitol.
Tháng 4/2024, ông Biden ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA) vào tháng 4/2024. PAFACA nằm trong số ít luật được lưỡng viện quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo.
PAFACA buộc ByteDance phải thoái vốn tại TikTok, nếu không nền tảng mạng xã hội này sẽ bị cấm tại Mỹ. PAFACA đưa ra hạn chót để ByteDance bán TikTok là ngày 19/1, Nhà Trắng có thể gia hạn thêm 90 ngày nếu các bên có “tiến triển đáng kể”.
Tháng 6/2024, khi mùa bầu cử tổng thống bắt đầu vào giai đoạn nước rút, ông Trump bất ngờ thông báo tham gia TikTok, được cho là nhằm tiếp cận cử tri trẻ tiềm năng, đặc biệt là khi đối thủ Biden cũng đã tham gia TikTok hồi tháng 2. Động thái cho thấy ông Trump bắt đầu có sự thay đổi quan điểm về TikTok.
Sau khi đắc cử tổng thống tháng 11/2024, ông Trump được cho là đã gặp CEO TikTok Shou Zi Chew tại dinh thự riêng Mar-a-Lago. Ông Trump công nhận nền tảng này giúp ông tiếp cận lượng lớn cử tri trẻ tuổi và chiến thắng, càng làm dấy lên đồn đoán ông sẽ cứu TikTok khi nhậm chức.
Ông Trump cuối tháng 12/2024 đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp, đình chỉ hạn chót trong thời gian ông “tìm giải pháp chính trị” cho vấn đề, nhưng không nhận được phán quyết như ý. Ngày 17/1, ông Trump cho biết đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về nhiều chủ đề, trong đó có TikTok. Hai bên nhất trí “sẽ cùng nhau giải quyết hàng loạt vấn đề, ngay lập tức”.
TikTok đã tự dừng hoạt động tại Mỹ trong khoảng 12 giờ ngày 19/1, khi hạn chót theo PAFACA có hiệu lực. Nhưng ông Trump nhanh chóng can thiệp, kêu gọi “cứu ứng dụng”, giúp TikTok bắt đầu khôi phục hoạt động tại Mỹ.
Ngày 20/1, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh cho phép Washington có 75 ngày để “theo đuổi giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia mà vẫn giữ được nền tảng có 170 triệu người Mỹ sử dụng”.
Trong lúc ký loạt sắc lệnh tại Phòng Bầu dục, ông Trump được truyền thông hỏi lý do thay đổi quan điểm về TikTok.
“Vì tôi phải dùng nó”, ông phản hồi.
Hiện chưa rõ ông Trump có thẩm quyền về mặt pháp lý để đơn phương không thi hành PAFACA hay không. Sarah Kreps, giám đốc Viện Chính sách Công nghệ, Đại học Cornell, bang New York, nói với AP rằng không có bằng chứng cho thấy ByteDance đã có tiến triển đáng kể liên quan việc thoái vốn.
“Do đó, tôi không thấy có biện pháp nào đáp ứng được tính pháp lý trong đạo luật”, bà Kreps nói. “Ngoài ra, sắc lệnh hành pháp không thể vượt quyền hoặc hủy đạo luật đã được quốc hội thông qua. Các đạo luật được ban hành theo quy trình lập pháp sẽ có vị thế pháp lý cao hơn. Nếu có xung đột pháp lý, đạo luật sẽ được ưu tiên và sắc lệnh khả năng cao bị tòa bác bỏ”.
Loạt diễn biến trong cuối tuần qua cho thấy những tranh cãi liên quan công nghệ, mạng xã hội và an ninh quốc gia có thể xoay chiều nhanh thế nào so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Ông Trump giờ đây có thể nhận công vì giúp “hồi sinh” ứng dụng phổ biến của 170 triệu người dùng Mỹ. “Đây là một trong những ví dụ về việc chính trường Mỹ đảo lộn nhưng sau cùng lại mang đến lợi thế cho ông Trump”, Bill Bishop, chuyên gia về Trung Quốc, nói.
Theo ông Bishop, nếu PAFACA được thực thi, ông Trump sẽ nói đó là do chính quyền tiền nhiệm. Nếu TikTok trở lại, ông Trump là cứu tinh. Và cả người dùng lẫn công ty, mà Trump mô tả “đang chịu ơn ông”, sẽ có động lực để đảm bảo những nội dung trên nền tảng có lợi cho Tổng thống.
“Thay mặt cho mọi người ở TikTok và toàn bộ người dùng ở Mỹ, tôi muốn cảm ơn Tổng thống Trump vì đã cam kết phối hợp với chúng tôi để tìm giải pháp giúp giữ ứng dụng hoạt động ở Mỹ”, CEO Show Zi Chew cho biết. “Chúng tôi biết ơn và vui mừng khi có được sự ủng hộ từ một Tổng thống thực sự hiểu ứng dụng”.
Như Tâm (Theo AP, ABC 7 New York)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.