Your cart is currently empty!
“Tết năm nay dễ thở hơn nhờ ‘order online’ thay vì ngược xuôi mua sắm, mặc cả ở chợ”, người phụ nữ 40 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội nói. Chi phí cho Tết cũng thấp hơn các năm trước bởi chị biết cách dùng mã giảm giá, thậm chí một số món rẻ bằng nửa thị trường.
Tết những năm trước, sau 23 tháng Chạp, vợ chồng Mai tỏa đi khắp nơi. Anh Tiến, chồng chị đến các vườn đào, quất chọn cây ưng ý, hợp dáng nhà và tìm mua quà biếu họ hàng hai bên. Còn vợ chạy từ chợ đến siêu thị mua đủ thực phẩm, bánh kẹo cho cả dịp Tết. Đêm muộn, hai vợ chồng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và hoàn thành công việc cuối năm.
“Cứ gần Tết là kiệt sức, hết chen chúc ở chợ rồi ùn tắc khắp nẻo, ngày nào cũng 3-4 tiếng ‘bò’ trên đường”, Mai nói.
Năm nay chị dành một ngày lập danh sách đồ cần mua rồi dạo chợ chung cư online, cửa hàng trực tuyến, đặt mua một loạt. Đào, quất cũng được mua online bằng cách chọn qua ảnh, video do nhà vườn cung cấp và đặt người chở về tận nhà.
Nhà mở quán ăn nên nhiều năm nay đến chiều 30, gia đình chị Thanh Xuân, ở Nghệ An mới được nghỉ ngơi, mua đồ đón Tết. Mua sắm cấp tốc khiến người phụ nữ 50 tuổi không chọn được đồ ưng ý.
Nhưng năm nay, Tết của gia đình này “tự động chạy về nhà” nhờ ý tưởng mua online của cô con gái 20 tuổi. Hoa quả chị Xuân đặt trên website của siêu thị, chờ nhân viên giao tận nơi. Gà, vịt, cá mua đồ sơ chế sẵn, hẹn người bán cận Tết giao đến nhà. “Đi chợ Tết cũng vui bởi không khí náo nhiệt, nhưng với người có ít thời gian như gia đình tôi lại là ác mộng”, chị Xuân nói.
Gia đình chị Xuân hay vợ chồng Trúc Mai là những người chọn sắm Tết online thay vì đi chợ truyền thống.
Theo báo cáo Xu hướng mua sắm Tết 2025, người tiêu dùng Việt Nam chuẩn bị cho dịp lễ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ từ sớm. Cụ thể, 55% người được khảo sát mua sắm các mặt hàng thực phẩm từ một tháng trước Tết. 49% người dùng tham gia khảo sát kết hợp giữa mua sắm trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).
Nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn cũng cho biết doanh số và sản lượng toàn thị trường trong dịp Tết 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 45% và 47% so với 2024. Hai sàn Shopee và Tiktok Shop được dự đoán đạt doanh số 71.000 tỷ đồng trong Tết 2025 với 792 triệu sản phẩm được tiêu thụ.
Khảo sát của VnExpress từ tháng 12/2024, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên TikTok Shop tăng mạnh. Mỗi ngày có hàng chục phiên livestream bán bánh kẹo, hộp quà Tết, đồ gia dụng hay phụ kiện trang trí nhà cửa, thu hút vài chục nghìn “mắt xem”. Nhiều sản phẩm hết hàng chỉ sau vài giây “tung deal” giảm giá.
Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương bán cây cảnh liên tục livestream bán chậu quất, đào hay chậu cúc Sa Đéc. Mỗi phiên live thu hút trung bình 4.000-5.000 mắt xem bởi giá rẻ. Người bán giải thích do không phải thuê mặt bằng hay qua trung gian nên cung cấp giá tốt nhất. Đặc biệt, do được các sàn thương mại điện tử trợ giá khiến người mua không mất phí vận chuyển.
Trái ngược với không khí sôi động trên mạng, hầu hết chợ truyền thống ở Hà Nội, TP HCM đều lâm cảnh vắng khách. Nhiều tiểu thương phải trả mặt bằng hoặc đóng cửa sớm bởi sức mua kém.
Chưa đến giờ chợ đóng cửa nhưng chị Diệu Linh, 34 tuổi, chủ shop quần áo ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội đã dọn hàng. Hơn 10 năm bán hàng ở chợ, chị Linh nói trước đây các cuối tuần và dịp lễ Tết đều có doanh thu bùng nổ. Những ngày ấy, chị phải thuê thêm hai nhân viên. Ban quản lý cũng liên tục bật loa thông báo “sắp đến giờ chợ đóng cửa” để nhắc khách đi về, tiểu thương dọn hàng.
Nay thì chưa đến 16h nhiều quầy hàng đã đóng cửa.
“Tôi từng mong đến Tết cho đắt hàng, nhưng giờ cận Tết vẫn đìu hiu, khách đến chợ toàn người nước ngoài, ngắm là chính”, chị Linh nói.
Lý giải nguyên nhân khiến nhiều người thay đổi thói quen mua sắm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng dù kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhưng thu nhập của người dân sụt giảm, khiến sức mua yếu.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại nhiều khu chợ xuống cấp, gây mất an toàn cho khách mua sắm, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất lượng hàng hóa tại chợ không đảm bảo, không niêm yết giá bán. Và cuối cùng là do sự phát triển của các trung tâm thương mại, khu phức hợp và lợi ích mua bán online khiến người dân ưu tiên lựa chọn.
Bổ sung thêm lý do, PGS. TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng Nghị định 168 được áp dụng khiến nhiều người ngại ra đường. Đặc biệt thời gian gần đây liên tục ghi nhận tình trạng ùn tắc kéo dài ở khắp các tuyến đường tại Hà Nội và TP HCM khiến việc sắm Tết cuối năm trở thành thách thức.
Tuy nhiên, theo ông Trung, đến các phiên chợ Tết xem gói bánh chưng, mổ lợn, gà, bày bán đặc sản, chọn nguyên liệu nấu các món Tết cũng là nét văn hóa truyền thống cần gìn giữ. Người mua học được cách trả giá hay tự tay chọn đồ tươi ngon cho ngày Tết cũng là trải nghiệm thú vị.
“Đã là nét văn hóa thì nên bảo tồn, nhưng cần lựa chọn thời điểm thích hợp để mua sắm, tránh gây khó khăn cho bản thân”, vị chuyên gia nói.
Chủ yếu sắm đồ online để tiết kiệm thời gian nhưng chị Thanh Hằng, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn duy trì thói quen cùng chồng con đi dạo chợ ngắm đào, mai và đồ trang trí mỗi cuối tuần cận Tết. Người phụ nữ 30 tuổi nói thích cảm giác đến tận nơi ngắm nghía cây cảnh, tận tay chọn từng món đồ trang trí và hòa vào không khí nhộn nhịp cuối năm.
“Điều này cũng giúp gia đình tôi có thêm thời gian bên nhau, các con hiểu hơn về nét đẹp truyền thống và trân trọng giá trị xưa cũ”, chị Mai nói.
Quỳnh Nguyễn – Nga Thanh
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.