Người trẻ lúng túng làm lễ ông Táo

Theo chỉ dẫn của mẹ, cô cần chuẩn bị mâm cơm cúng, một bộ vàng mã và ba con cá chép sống làm “phương tiện để các quan chầu trời”.

Vẫn không biết mình cần phải làm gì, Lan Chi tìm hiểu trên mạng. Cô nhận thấy lễ vật mẹ dặn quá sơ sài, “sợ không đủ lòng thành” nên đặt một mâm cỗ 10 món, giá 1,5 triệu đồng kèm mâm ngũ quả, hoa tươi, tiền vàng.

Chi thuê thầy cúng nhưng không được. Cô tiếp tục “search Google” và chọn bài khấn thấy dễ đọc nhất. Khi cúng, cô cố gắng đọc to, rõ ràng và tự biên thêm đoạn xin “kinh doanh phát đạt, tiền vào như nước” và sớm lấy chồng.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo được Hải Sơn ở quận Ba Đình, Hà Nội chuẩn bị tối 21/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên phó Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng việc những người trẻ như Lan Chi không biết gì về tục ông Táo cũng dễ hiểu bởi công nghiệp phát triển nhanh khiến đời sống vật chất thay đổi, giá trị văn hóa truyền thống phai nhạt dần.

“Nhiều người bắt đầu chuộng hình thức thay vì chú trọng đến giá trị tinh thần của tục lệ này”, ông Đức nói.

Theo quan niệm dân gian, Táo quân không chỉ quản lý việc ăn uống sinh hoạt trong gia đình mà còn có nhiệm vụ ghi chép việc thiện ác của gia chủ để cuối năm báo cáo Thiên đình. Ngọc Hoàng căn cứ vào đó để ban phước hoặc giáng họa nhằm khuyến thiện phạt ác. Việc cúng Táo quân vì thế là dịp nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện, đúng luân thường, đạo lý từ gia đình đến ngoài xã hội.

Lễ vật cúng Táo quân thường là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả. Đặc biệt phải có ba bộ mũ áo, hài; một hoặc ba con cá chép (cá sống hoặc bằng giấy mã).

Những năm 1990 trở về trước, ở miền Bắc, nhiều gia đình có một đĩa bánh kẹo (bánh mật, kẹo mạch nha, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo…) hoặc một bát mật mía để Táo quân ngọt giọng khi bẩm báo Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp về gia đình mình.

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, ngày nay thay vì sắm sửa nhiều lễ vật tốn kém, các thành viên trong gia đình nên cùng chuẩn bị mâm cơm đơn giản thể hiện lòng thành với các vị thần. Đây cũng là dịp để mọi người được trò chuyện, cùng sum vầy những ngày cuối năm.

Không cầu kỳ hình thức như Lan Chi, Hải Sơn làm lễ cúng ông Táo giản tiện, ít tốn kém.

Giữa năm ngoái, chàng trai 23 tuổi mượn được căn tập thể ở quận Ba Đình, Hà Nội. Chủ nhà yêu cầu ngày rằm, mùng 1 phải thắp hương, 23 tháng Chạp làm mâm cúng ông Công ông Táo.

Tuy đồng ý nhưng Sơn cho rằng tục lệ “hai ông một bà” này chỉ gắn liền với thời xưa khi mỗi gia đình đều có ba bếp củi. “Bây giờ tôi dùng bếp gas, bếp điện hoặc đặt đồ ăn ngoài nên cúng chỉ mang tính hình thức”, anh nói.

Đến ngày cúng, Sơn ra chợ mua một bộ vàng mã loại rẻ nhất, không mua cá sống phóng sinh. Về mâm lễ, chàng trai tìm nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh làm bữa cơm như ngày thường bởi suy nghĩ “thần cũng giống người trần, ăn gì cúng nấy”. Anh đặt thêm ba chiếc bát kèm đũa cho ba vị thần, theo lời mách của người bạn.

Khi chụp ảnh “báo cáo chủ nhà”, Sơn bị mắng tơi tả bởi mâm cỗ xuề xòa, thiếu sự tôn trọng, sợ bị thần linh quở trách. Người chủ cảnh báo nếu năm sau còn làm lễ cẩu thả, Sơn buộc phải chuyển đi, tránh ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng hành động của người chủ nhà là không nên bởi suy nghĩ và quan niệm về lễ nghi truyền thống của người trẻ khác với thế hệ trước. Ngày nay người trẻ muốn hướng về giá trị tinh thần thay vì nặng hình thức gây sự mệt mỏi, phiền phức cho người thực hiện.

Dù có thay đổi người trẻ cũng cần nắm chắc giá trị truyền thống cốt lõi của tục lệ. Người lớn nên định hướng, giải thích những điều hay ý đẹp của tục lệ thay vì chỉ trích, trách mắng thế hệ sau.

“Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên giản tiện những lễ nghi, không quá đặt nặng vào cỗ bàn bởi quan trọng là cái tâm của người cúng”, chuyên gia nói.

Một người trẻ ở quận Tây Hồ, Hà Nội đọc bài khấn ông Công ông Táo năm 2024. Ảnh minh hoa: Ngọc Huyền

23 tháng Chạp năm ngoái, vợ chồng Quỳnh Hương ra ở riêng. Không biết lễ cúng ông Công ông Táo cần chuẩn bị những gì, nghi thức ra sao, cô gái 25 tuổi đặt xe đón bố mẹ từ Phú Thọ xuống Hải Phòng hỗ trợ.

Sợ con gái làm cẩu thả khiến “thần linh quở trách”, ảnh hưởng đến công việc và hạnh phúc gia đình, bà Mai Loan chuẩn bị sẵn văn khấn cùng nguyên liệu nấu cỗ.

Sau khi dâng đồ lễ lên bàn thờ bà yêu cầu gái đọc theo bài cúng đã soạn sẵn, “cấm sai một chữ” để thể hiện lòng thành. Khi thả cá phải tìm nơi sông, hồ có dòng chảy lưu thông bởi sợ thả xuống nơi sông tù, nước đọng dễ chết, các Táo khó chầu trời.

Trước khi về, bà Loan ghi lại toàn bộ các bước trong lễ cúng ông Táo, đêm giao thừa cho con gái thực hiện.

Được mẹ hướng dẫn, cô gái 25 tuổi nói lễ cúng ông Táo năm nay đơn giản hơn bởi thạo việc. Hương cũng mua bánh chưng, khoanh giò dâng lên ban thờ thay vì mâm cỗ 8-9 món.

“Tôi thành tâm làm mâm cỗ nhỏ để cảm tạ, sau dũng cảm khai báo với các quan những việc vợ chồng đã làm được trong năm qua và đặt mục tiêu cho năm tới”, Hương nói.

Hiền Quỳnh


Comments

Leave a Reply